vinhtuong đăng vào lúc 19/02/2020 - 11:37
NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH VÌ MÁI ẤM THỢ THI CÔNG
NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH VÌ MÁI ẤM THỢ THI CÔNG
Những đứa trẻ hồn nhiên trong câu chuyện về cái nghèo
Có đi mới thấy được cái nghèo khó của bà con sông nước miền Tây quê mình. Ghi dấu chuyến công tác đến với 11 nhân vật trong hành trình “Vì Mái Ấm Thợ Thi Công - Viết tiếp câu chuyện ước mơ” không chỉ là những căn nhà lá dột nát, những con đường lội bùn qua mưa, mà còn là nụ cười tỏa sáng của lũ trẻ nơi đây. Chuyến khảo sát đến với gia cảnh của anh Vũ chị Thắm, chúng tôi bị giữ chân lâu hơn và không kịp kế hoạch di chuyển như ban đầu vì cơn mưa lớn đầu mùa. Nhưng đó là cái cớ hay để chúng tôi được thấu cảm về cuộc sống của những con người nơi đây. Mưa như trút nước, chảy thành dòng xiết quanh chân cầu trước nhà, ấy vậy mà tụi nhỏ vẫn vô tư cười đùa, chân dẫm bùn đất tắm mưa. Chúng chẳng hề hay biết trong nhà, mẹ chúng đang rơi nước mắt kể về cái nghèo đeo bám gia đình từ ông nội đến cha mẹ chúng. Trong cả câu chuyện ngày hôm ấy, điểm sáng duy nhất là kết quả học tập tốt hay tiếng cười giòn tan hồn nhiên của những đứa trẻ át cả tiếng mưa rơi lộp bộp trên tấm nilon che tạm ở những chỗ dột.
Cơn mưa ngớt dần cũng là lúc tôi bước chân qua con đường mòn bé xíu ven ruộng lúa để tạm biệt ngôi nhà liêu xiêu và đám trẻ con. Trong khoảnh khắc ấy, trong tôi có một nỗi sợ lớn hơn, nếu không vượt qua được số phận, có thể những đứa trẻ hồn nhiên kia cũng rẽ vào lối mòn, bỏ học để lo chuyện cơm áo gạo tiền từ rất sớm, sớm ở cái tuổi còn hồn nhiên học trò. Đúng vậy, đâu ai biết được chuyện tương lai nếu ngày hôm nay ta còn không lo nổi một bữa ăn no đủ.
Bài &ảnh: Đại sứ Hà Nga
BỞI VÌ CHÚNG TA VẪN CÒN KHẢ NĂNG ĐỂ “SỐNG”
Một hành trình dài rong ruổi trên tuyến đường Vĩnh Phúc – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang và 2 ngày đầu tiên là cuộc chạy đua cùng những cung đường gập ghềnh đến với những mảnh đất “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Và những dòng nhật ký đầu tiên, chúng tôi xin chia sẻ về hoàn cảnh của một người thợ thi công với tuổi đời 24 nhưng dành đến 12 năm làm nghề thạch cao và nỗ lực “sải cánh” vượt qua cả một biển trời gian khó. Đó là trường hợp của em Trần Ngọc Sơn – (sinh năm 1993) ở Thanh Ba, Phú Thọ. Ba mẹ đều mất trong một vụ tai nạn 6 năm trước, khi ấy một cậu bé mới 17 tuổi đã phải bươn chải cuộc sống để nuôi em trai 10 tuổi ăn học và phụng dưỡng bà nội đã ngoài 80.
Căn nhà của em chắc quý giá nhất là mảnh vườn với những hàng rau xanh mướt và chiếc giường ấm áp chỉ dành cho bà. Riêng anh em thì trải chiếc chiếu mỏng trên nền đất. Mái nhà từng mảng nhìn xuyên trời sao và vách nứa gỗ chỉ chực chờ đổ mỗi khi giông bão về…Mọi thứ trong nhà quá cũ với gam màu nâu xám, thứ bắt mắt duy nhất có lẽ là mảng tấm thạch cao được ghép với nhau mà em nói em thử nghiệm lúc em đi làm năm 12 tuổi.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi với những chuỗi ngày mà như em mô tả, dù cố gắng nhưng vẫn bị đẩy xuống tận cùng! Em mong chương trình có thể cho em cơ hội để giúp bà sống trong một mái nhà lành lặn những năm tháng cuối đời. Xúc động bởi tấm lòng hiếu thảo của cậu bé nhưng có lẽ Ban đại sứ chúng tôi còn nặng lòng hơn bởi tâm sự của người bà. Bởi trước khi ra về, bà nắm tay tôi, nước mắt vẫn không ngừng rơi: “Bà không có gì để cảm ơn các cháu, chỉ mong nếu các cháu hỗ trợ, bà có già như vậy cũng sẽ đến tận công ty để cảm ơn Ban lãnh đạo bên cháu”. Và theo suốt chặng đường về, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi câu nói của Sơn: “khó khăn này là cơ hội để em hiểu rằng em còn khả năng để sống”.
Đại sứ: Vũ Nga
Cập nhật hành trình VMATTC2017 tại website: vimaiam.vinhtuong.com
Hoặc tại facebook: Vĩnh Tường –Trần Nhà Đẹp
Quý độc giả thân mến! Nhằm phục vụ quý độc giả tốt hơn trong việc tặng báo NSTC, mọi thắc mắc về việc nhận báo hay bất kỳ góp ý nào về thư từ bài vở, xin quý độc giả vui lòng liên hệ:
Ban Biên Tập báo NHỊP SỐNG THI CÔNG
Phòng Tiếp Thị - CÔNG CY CP CÔNG NGHIỆP VĨNH TƯỜNG
Tầng M, Cao ốc IPC - 1489 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM
Email: [email protected]
Hotline: 18001218